Chuyện xưa kể rằng: ở một vương quốc nọ có một tên cướp khét tiếng. Vào một đêm thu, hắn lén vào hoàng cung với ý định giết công chúa để cướp trang sức quý trên người. Trong ánh sáng mờ ảo chan hoà cùng bóng tối của căn phòng, khi thanh gươm vung lên thì cũng là lúc áng mây vừa tan nhường chỗ cho ánh trăng toả nhẹ xuống hoàng cung. Qua ánh sáng lung linh huyền ảo của trăng non, hắn thấy trước mắt mình là một thân thể nõn nà, kiều diễm say trong giấc điệp; dưới đôi gò bồng đảo trắng hồng là trái tim đang đập nhẹ theo từng nhịp thở trinh nguyên... Lần đầu tiên trong cuộc đời ngang dọc, tên cướp đã sững sờ đúng lặng trước vẻ đẹp thánh thiện của Tạo hoá. Hắn đã run tay không thể và đành phải âm thầm rút lui vào bóng đêm...
Cái Đẹp mong manh, nhỏ nhoi còn sót lại trong phần NGƯỜI của tên cướp đã cảm hoá được và chiến thắng cái ác cố hữu trong phần CON của hắn. Đó là triết lý muôn đời của nghệ thuật, của lẽ sống qua câu chuyện mang đậm tính huyền thoại trên... Từ thời kỳ Phục Hưng, trong những nhà thờ Công giáo đã xuất hiện nhiều bức hoạ khoả thân ca ngợi vẻ đẹp thánh thiện của con
người. Nhiếp ảnh ra đời sau hội hoạ nhưng trong quá trình hình thành và phát triển bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới (hơn 150 năm), ảnh khoả thân cũng đã có mặt ngay từ những ngày đầu và song song phát triển với những thể loại khác cho đến nay.
Bằng khát vọng luôn vươn tới vẻ đẹp của cuộc sống, tình yêu và cả vẻ đẹp của thân thể, các nhà nhiếp ảnh đã đi tìm cho mình những cảm hứng nghệ thuật về đề tài này để đạt tới những tác phẩm nghệ thuật đích thực, ca ngợi vẻ đẹp cả tâm hồn và hình thể người phụ nữ (lẫn nam giới). Đó là những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân bản, tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống mà thân thể con người là một hiện thân tuyệt vời.
Ai cũng biết có một ranh giới vô hình giữa hai loại ảnh khoả thân. “Naked” là trần trụi, dung tục, phơi bày ra một cách tự nhiên (không bao hàm nghĩa nghệ thuật). “Nude” cũng là thoát y nhưng phải qua xử lý của người nghệ sĩ bằng kỹ thuật ánh sáng, góc độ, sắc độ, bố cục, đường nét... kể từ khi bấm máy cho đến khi tráng phim, rọi ảnh xong. Nói tóm lại là phải làm như thế nào đó để bức ánh toát lên được vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng và Tạo hoá đã ban tặng cho con người, nhất là người phụ nữ. Nó khác xa với những bức ảnh khiêu dâm trần tục.
Ở Việt Nam, chưa có một trường lớp nhiếp ảnh nào đưa bộ môn khoả thân vào chương trình giảng dạy để trang bị những kiến thức cơ bản cho các học viên như trong các trường Mỹ thuật. Các nhà quản lý văn hoá nghệ thuật cũng còn khá nhiều quan niệm lập lờ, không khuyến khích cũng không phản đối, nói đúng hơn là có xu hướng chấp nhận sự tồn tại một cách thụ động và vẫn đang ở trong giai đoạn thăm dò (?).
Chính điều đó đã làm cho giới cầm máy trở nên lúng túng, hoang mang khi tìm đến chân giá trị của nhiếp ảnh nghệ thuật. Trong khi nhu cầu lưu giữ cái đẹp trong tác phẩm nhiếp ảnh ngày càng cao mà quan niệm chính thống chưa rõ ràng, thông suốt nên những nhà nhiếp ảnh vẫn cứ âm thầm sáng tác ảnh khoả thân với một tâm trạng lén lút, vụng trộm như làm chuyện gì mờ ám, tội lỗi.
Cả người chụp lẫn người mẫu đều mang nặng một cảm giác tâm lý không thoải mái khi sáng tạo nghệ thuật, cơ hồ như đang phản bộ với chính mình, với gia đình và xã hội. Nhưng thực ra, họ chỉ là những người mải mê đi tìm và tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của Tạo hoá rồi mang cái Đẹp ấy dâng tặng cho Đời (dù Đời có khi chưa hiểu hết họ).
Nghệ thuật là vô cùng, cái Đẹp là chân lý, cần phải được nhìn nhận và lưu giữ, thế nhưng nghệ thuật không phải là một phép toán để đi tìm giới hạn của những đường cong. Chính vì thế nên khó có một văn bản cụ thể phân định rạch ròi cái giới hạn vô hình đó để định hướng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của mọi người, phục vụ tốt hơn nhu cầu văn hoá phong phú, đa dạng của quần chúng.
Click vào đây để phóng to ảnh (http://chiplove.biz). |
Cũng chính vì thế nên có nhiều tay lợi dụng tấm rèm thuật ngữ “ảnh nghệ thuật” để làm trò xấu xa, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta đồng hoá hai nghĩa “nude” và “naked” được.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cần phải chủ động phối hợp với Vụ Mỹ thuật - Bộ Văn hoá Thông tin và các cơ quan ban ngành chức năng khác để có những văn bản quy định phù hợp với truyền thống dân tộc, bên cạnh việc dung nạp quan niệm thẩm mỹ của thế giới một cách hài hoà, hợp lý, không tránh né, không cực đoan. Đồng thời cũng để có cái nhìn về nhiếp ảnh nghệ thuật một cách cởi mở và công bằng hơn so với những bộ môn nghệ thuật khác như hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh, văn học...
0 nhận xét